Viêm chân răng: Nguyên nhân và cách điều trị
Bao lâu rồi bạn không đến phòng khám nha khoa, không kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ? Nếu bạn gặp phải một trong các triệu chứng về răng miệng (chảy máu nướu, đau nhức răng, răng ê buốt…) mà vẫn cho đó là điều bình thường, hãy thay đổi suy nghĩ ngay.
Viêm chân răng là gì?
Viêm chân răng (viêm nha chu) là một bệnh lý về các tổ chức xung quanh răng và chân răng. Biểu hiện ban đầu của bệnh là chảy máu chân răng, sưng nướu, thỉnh thoảng đau nhức răng. Lúc này, bệnh diễn tiến một cách âm thầm với việc các vi khuẩn lây lan sang vùng lân cận, phá hủy các cấu trúc hỗ trợ răng nằm trong xương hàm.
Cuối cùng, răng ngày càng lung lay nặng hơn và bắt buộc phải nhổ.
Nguyên nhân gây viêm chân răng
Vi khuẩn trong mảng bám răng: thủ phạm chính dẫn tới viêm chân răng. Khi bạn vệ sinh răng miệng kém, mảng bám vôi răng sẽ hình thành, mang theo vi khuẩn gây hại cho khoang miệng. Theo thời gian, vôi răng gây nhiễm trùng nướu, làm cho nướu bị sưng đỏ, chảy máu rồi dần dần nặng lên thành viêm chân răng.
Răng mọc lệch hoặc chen chúc: tăng khả năng hình thành của mảng bám và cao răng. Mà cao răng càng nhiều, nguy cơ bạn bị bệnh nha chu càng cao. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu hoặc khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Sâu răng: cách điều trị sâu răng hiệu quả nhất là loại bỏ những mô răng đã bị sâu nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn có hại, sau đó trám bít lỗ sâu.
Nghiến răng thường xuyên: tuy không trực tiếp gây ra viêm chân răng nhưng sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn khi nướu của bạn đã bị viêm.
Khô miệng: Một số loại thuốc như thuốc trầm cảm, huyết áp cao… có thể gây khô miệng. Nếu miệng không tiết đủ nước bọt, mảng bám sẽ dễ dàng hình thành, dẫn tới sâu răng và viêm chân răng.
Hormone biến động: Nguyên nhân này giải thích tại sao trẻ em tuổi dậy thì và phụ nữ mang thai thường mắc bệnh về nướu. Bởi đó là giai đoạn nồng độ hormone trong cơ thể không ổn định.
Ngoài ra, suy dinh dưỡng, thiếu hụt vitamin C, thay đổi nội tiết tố hay các bệnh về máu cũng có thể dẫn đến viêm chân răng.
Biến chứng viêm chân răng
Không chỉ đơn thuần là bệnh về răng miệng, viêm chân răng nếu không được xử lý đúng cách sẽ tác động xấu tới các bệnh lý sau:
Xơ vữa động mạch và bệnh tim: Bệnh nha chu có khả năng làm tăng nguy cơ tắc nghẽn động mạch và khiến cho tình trạng bệnh tim trở nên xấu đi.
Sinh non: Một sản phụ mắc bệnh nha chu dễ chuyển dạ trước ngày dự sinh. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh còn có cân nặng khi sinh thấp nếu người mẹ bị viêm chân răng.
Bệnh tiểu đường: Bệnh nhân tiểu đường mắc bệnh nha chu gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu so với bệnh nhân tiểu đường có nướu khỏe mạnh.
Bệnh hô hấp: Vi khuẩn liên quan đến viêm chân răng có thể gây nhiễm trùng phổi hoặc làm tình trạng phổi xấu đi. Vi khuẩn từ miệng sẽ lan đến phổi, gây viêm phổi nặng. Điều này đặc biệt đúng với nhóm người cao tuổi.
Cách điều trị viêm chân răng hiệu quả
Phần lớn trường hợp, nếu tình trạng viêm nha chu mới phát sinh hoặc chưa trở nặng, hướng điều trị thường là những phương pháp đơn giản như:
Cạo vôi răng: loại bỏ mảng bám cũng như vi khuẩn tích tụ trên bề mặt răng và dưới nướu răng.
Chà chân răng: làm nhẵn bề mặt chân răng với mục đích ngăn chặn vôi răng và vi khuẩn bám trở lại.
Uống thuốc kháng sinh: có thể giúp kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn. Người bệnh cần đặc biệt tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liệu lượng cũng như thời gian dùng thuốc để đảm bảo an toàn sức khỏe.
5 mẹo chữa viêm chân răng tại nhà
Một số phương pháp dân gian có thể giúp cải thiện tình trạng viêm chân răng với những nguyên liệu dễ kiếm ngay tại nhà.
Nước muối: pha một chút muối với nước ấm và súc miệng 3 lần/ ngày. Tính sát khuẩn của muối có tác dụng giảm sưng và sát khuẩn khi bị viêm chân răng.
Gừng tươi: thái sợi gừng tươi và đun với nưới sôi trong vòng 15-20 phút và súc miệng hàng ngày. Tính cay, nóng của gừng giúp tiêu viêm và giảm sưng, đau rất hiệu quả. Uống nước với gừng tươi hoặc phơi khô 3 lần/ ngày cũng đem lại kết quả tốt, lưu ý không nên uống quá nhiều.
Tỏi: nghiền nát tỏi và trộn với một chút muối, dùng hỗn hợp này thoa lên phần nướu bị viêm sưng 3 lần/ ngày. Để tỏi tiết ra tinh chất kháng viêm nhiều nhất, hãy pha thêm với chút giấm ăn.
Mật ong: sau khi đánh răng, hãy sử dụng một ít mật ong thoa thật nhẹ nhàng lên phần chân răng bị viêm. Mật ong có tính kháng khuẩn, trị viêm rất tốt, áp dụng cách này mỗi ngày có thể điều trị và ngăn ngừa bệnh hiệu quả.
Chanh muối: vắt nưới chanh lấy cốt rồi thêm một chút muối, sử dụng hỗn hợp này thoa vào chân răng, để một vài phút rồi súc miệng lại bằng nước. Lưu ý không thoa vào răng do tính axit của chanh có thể mài mòn men răng gây ê buốt.
Nếu tình trạng viêm nhiễm trở nặng hoặc các giải pháp trên không đem lại hiệu quả như mong đợi, người bệnh sẽ cần thực hiện phẫu thuật nha khoa. Các loại phẫu thuật dành cho vấn đề viêm chân răng thường là:
Ghép mô mềm hoặc men răng
Ứng dụng men răng tái sinh
Phẫu thuật giảm túi (phẫu thuật Flap)
Tái tạo mô
Làm thế nào để phòng ngừa viêm chân răng?
Nhằm ngăn chặn viêm chân răng phát sinh, nhiều bác sĩ nha khoa khuyến khích mọi người nên chăm sóc răng miệng bằng cách tập các thói quen đơn giản sau:
Vệ sinh răng miệng tốt bằng cách sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày, đánh răng sau khi ăn 30 phút theo chiều dọc hoặc xoay tròn.
Thường xuyên đến nha sĩ kiểm tra định kỳ (6 tháng/lần). Nếu bạn đã bị bệnh về nướu, cần đến thăm khám thường xuyên hơn để sử dụng dịch vụ điều trị viêm lợi phù hợp.
Cạo vôi răng định kỳ nhằm ngăn vi khuẩn hình thành và tiến triển thành viêm nhiễm. Tốt nhất, bạn nên thực hiện 3-6 tháng/lần.
Không tự ý sử dụng thuốc làm trắng răng hoặc thuốc chữa viêm nướu khi chưa tham khảo ý kiến nha sĩ.
Bỏ hẳn thuốc lá và hạn chế thức uống có cồn.
Đánh bay stress vì nó có thể làm cho bệnh nha chu trở nên tồi tệ và khó điều trị hơn. Nguyên nhân là căng thẳng làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng, bao gồm cả viêm chân răng.
Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Bổ sung vitamin C, vitamin K và canxi để giúp răng, nướu chắc khỏe.