Tìm hiểu về tụt nướu chân răng, nguyên nhân và hướng điều trị
Tìm hiểu về tụt nướu chân răng và những vấn đề xoay quanh có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe này, từ đó nâng cao ý thức phòng ngừa. Đồng thời, bạn cũng sẽ biết cách nhận biết các dấu hiệu sớm để có biện pháp can thiệp ngay từ đầu.
Bệnh răng miệng không chỉ bao gồm các vấn đề về răng mà còn liên quan đến tình trạng sức khỏe của nướu. Trong đó, tụt nướu chân răng là một trong những vấn đề thường gặp nhất, có thể xảy ra ở hầu hết mọi người. Mặc dù vậy, thực tế không phải ai cũng biết tụt nướu chân răng là gì, nguyên nhân phát sinh và cách điều trị cũng như phòng ngừa hiệu quả.
Nếu bạn cũng có những thắc mắc như trên, hãy cùng tìm kiếm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé.
Tụt nướu chân răng là gì? Các dấu hiệu nhận biết tụt nướu chân răng
Tụt nướu hay tụt nướu chân răng đề cập đến vấn đề mô nướu bị teo rút làm hở chân răng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà còn tạo điều kiện phát triển những vấn đề nghiêm trọng như nhiễm trùng, sâu răng hoặc thậm chí là mất răng.
Một người bị tụt nướu chân răng thường sẽ bắt gặp những triệu chứng bất thường như sau:
Nướu sưng đỏ rõ rệt, có cảm giác đau khi chạm vào, đặc biệt ở khu vực viền nướu
Diện tích mô nướu thu hẹp lại, trong khi thân răng trông dài hơn bình thường (do chân răng lộ ra)
Răng không cố định, dễ bị lung lay
Ngoài ra, đôi khi tụt nướu chân răng còn có khả năng cảnh báo về một số vấn đề sức khỏe răng miệng tiềm ẩn, dẫn đến một số dấu hiệu như:
Chảy máu răng sau khi vệ sinh răng miệng bằng chỉ nha khoa hoặc đánh răng
Hơi thở bốc mùi khác thường, gây khó chịu và mất tự tin khi giao tiếp với người khác
Vì sao bạn lại bị tụt nướu?
Nhìn chung, nguyên nhân gây tụt nướu chân răng chủ yếu đến từ việc vệ sinh, chăm sóc răng miệng kém. Điều này tạo cơ hội cho vi khuẩn bám lại và phát triển ở răng, lâu ngày hình thành vôi răng (cao răng). Vôi răng tích tụ quá nhiều sẽ dẫn đến viêm nha chu. Khi đó, vi khuẩn sẽ trực tiếp tấn công nướu và “ăn mòn” lớp mô mềm này, dần dần làm lộ chân răng.
Bên cạnh đó, đánh răng sai cách hoặc sử dụng bàn chải có lông quá cứng cũng sẽ làm mòn men răng và khiến nướu bị tụt.
Ngoài ra, đôi khi tình trạng tụt nướu chân răng còn xảy ra bởi một số yếu tố nguy cơ, bao gồm:
Yếu tố di truyền
Tuổi tác, đặc biệt là từ 65 tuổi trở lên
Thói quen hút thuốc lá
Một số vấn đề sức khỏe như đái tháo đường (tiểu đường), HIV/AIDS, ung thư…
Thay đổi nội tiết tố nữ
Đâu là cách chữa tụt nướu chân răng hiệu quả?
Các chuyên gia sẽ dựa theo mức độ nghiêm trọng của tình trạng tụt nướu chân răng để đề ra hướng giải quyết hiệu quả và phù hợp nhất, chẳng hạn như:
Tụt nướu nhẹ
Trong trường hợp này, giải pháp điều trị thích hợp nhất sẽ là làm sạch sâu khu vực có nướu bị tụt, bao gồm các bước:
Cẩn thận loại bỏ vôi răng tích tụ trên bề mặt răng, chân răng và bên dưới đường viền nướu
Làm nhẵn phần chân răng bị lộ ra nhằm ngăn chặn vi khuẩn tiếp tục bám vào đây và hình thành lại vôi răng
Đôi khi, bác sĩ cũng có thể kê toa thêm một số loại kháng sinh cho bạn để loại bỏ những vi khuẩn có thể còn sót lại sau quá trình làm sạch sâu.
Tụt nướu chân răng nghiêm trọng
Nếu mô nướu teo rút nghiêm trọng, phương pháp trên sẽ không thể phát huy hiệu quả chữa trị như mong đợi. Lúc này, bạn sẽ cần kết hợp việc làm sạch sâu với phẫu thuật nha khoa để giải quyết những hệ lụy do tụt nướu chân răng dẫn đến.
Các loại phẫu thuật dùng để chữa tụt nướu chân răng thường có thể kể đến như:
Phẫu thuật làm giảm độ sâu của túi nha chu
Thủ thuật tái tạo men răng
Phẫu thuật ghép mô nướu
Mách bạn các biện pháp phòng ngừa tụt nướu chân răng
Theo nhiều nha sĩ, phương pháp ngăn chặn tụt nướu chân răng đơn giản nhất chính là tập thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách, bao gồm:
Thường xuyên sử dụng chỉ nha khoa
Đánh răng đúng phương pháp và sử dụng bàn chải lông mềm
Sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn
Dùng máy tăm nước nếu có điều kiện
Kết hợp các thói quen trên có thể giúp bạn loại bỏ vi khuẩn cũng như các mẩu thức ăn thừa kẹt trong kẽ răng, từ đó hạn chế nguy cơ hình thành mảng bám dẫn đến những các vấn đề sức khỏe răng miệng, bao gồm của tụt nướu.
Ngoài ra, kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ tại những trung tâm, phòng khám nha khoa uy tín cũng là một cách phòng ngừa tình trạng tụt nướu chân răng hữu hiệu. Đồng thời, điều này còn có thể giúp nha sĩ sớm phát hiện dấu hiệu bệnh và có phương hướng chữa trị hiệu quả ngay từ đầu.
Như vậy, có thể thấy tình trạng tụt nướu ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của một người. Để phòng ngừa vấn đề này, bạn nên chăm sóc răng miệng cẩn thận, đồng thời đừng quên khám răng định kỳ nhé. Ngoài ra, nếu nghi ngờ bản thân đang bị tụt nướu chân răng, hãy mau chóng tìm đến các phòng khám nha khoa uy tín để được kiểm tra và chữa trị hiệu quả.