Vì sao cần nhổ răng khôn? Nhổ răng khôn có nguy hiểm không?
Nhổ răng khôn không hề nguy hiểm nếu được thực hiện bởi những nha sĩ có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, việc tuân thủ đúng hướng dẫn của nha sĩ sau khi nhổ răng cũng sẽ giúp bạn sớm hồi phục và trở về trạng thái bình thường.
Vì sao cần loại bỏ răng khôn?
Răng khôn là bộ răng hàm thứ ba ở phía sau miệng của bạn. Chúng thường mọc trong độ tuổi 17-25. Hầu hết mọi người đều được khuyên nên nhổ răng khôn vì những lý do sau:
Răng khôn bị ảnh hưởng: Vì răng khôn mọc vào thời điểm 28 chiếc răng trưởng thành đã hoàn thiện, nên thường sẽ không có đủ chỗ cho răng phát triển đầy đủ. Chúng có thể bị mắc kẹt trong xương hàm hoặc nướu, mọc lệch, mọc ngang, nhú một phần…
Răng khôn mọc lệch đâm vào răng bên cạnh, gây tổn thương khu vực xung quanh đó.
Răng khôn nằm ở vị trí trong cùng của hàm, bàn chải đánh răng không thể làm sạch vi khuẩn và mảng bám quanh răng, nên lâu dần sẽ gây nên tình trạng sâu răng, viêm nha chu.
Nhổ răng khôn có nguy hiểm không?
Nhổ răng khôn hàm trên hay hàm dưới nguy hiểm hơn?
Nhổ răng khôn hàm trên: Nhiều ý kiến cho rằng nhổ răng khôn hàm trên sẽ gây ra nguy hiểm do có vị trí gần mắt và có thể gây ảnh hưởng đến thị giác. Tuy nhiên, răng khôn hàm trên thường mọc thẳng, có nhiều trường hợp thậm chí còn không cần nhổ bỏ.
Nhổ răng khôn hàm dưới: Răng khôn hàm dưới có vị trí mọc khắt khe hơn hàm trên, dễ gây nên xu hướng mọc lệch, mọc ngầm, tạo ra nhiều trở ngại khi nhổ răng.
Để biết dịch vụ nhổ răng khôn có an toàn không, hãy tìm hiểu thêm về quy trình nhổ răng khôn và những nguy cơ có thể xảy ra trong từng giai đoạn.
Trước khi phẫu thuật
Đầu tiên, nha sĩ sẽ hỏi về tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Bạn cần thông tin cho họ biết mình có đang bị một bệnh lý nào (như tiểu đường, huyết áp cao, huyết áp thấp…) hay không. Cũng nên liệt kê tên các loại thuốc bạn đang uống nếu có.
Tiếp theo, nha sĩ sẽ chụp X-quang miệng của bạn. Điều này sẽ giúp họ xác định xem chiếc răng khôn cần nhổ nằm ở vị trí nào, có bị ảnh hưởng không. Từ đó, nha sĩ sẽ vạch ra hướng xử lý chiếc răng này.
Trong khi phẫu thuật
Gây tê – gây mê
Tùy thuộc vào mức độ phức tạp của quá trình nhổ răng, nha sĩ sẽ chọn một trong ba loại gây mê, bao gồm:
1. Gây tê cục bộ
Trước khi nhổ răng khôn, bạn sẽ được gây tê cục bộ bằng cách tiêm (phổ biến nhất là lidocaine) để làm tê răng và khu vực xung quanh.
Nếu bạn đặc biệt lo lắng về những biến chứng có thể xảy ra khi nhổ răng, hoặc đơn giản là sợ đau, nha sĩ sẽ cung cấp cho bạn một số loại thuốc giúp bạn thư giãn. Nó có thể dưới dạng một viên thuốc (diazepam hoặc temazepam), khí (oxit nitơ) được hít vào thông qua mặt nạ. Một loại gel gây tê cũng được bôi vào khu vực tiêm thuốc tê.
2. Gây mê
Bác sĩ phẫu thuật tiêm thuốc mê an thần thông qua một đường truyền tĩnh mạch (IV) trong cánh tay. Gây mê an thần ức chế ý thức của bạn trong suốt quá trình nhổ răng. Bạn không cảm thấy đau nhưng trí nhớ sẽ bị ảnh hưởng bởi mũi tiêm này. Bạn cũng sẽ được gây tê cục bộ để làm tê nướu.
3. Gây mê toàn thân
Trong tình huống đặc biệt, bạn có thể được gây mê toàn thân. Nha sĩ sẽ cho bạn hít thuốc qua mũi hoặc tiêm qua đường IV trong tay, hoặc cả hai. Rồi bạn rơi vào trạng thái mất ý thức. Đội ngũ nha sĩ phụ trách cuộc phẫu thuật sẽ phải theo dõi chặt chẽ thuốc, hơi thở, nhiệt độ, chất lỏng và huyết áp của bạn.
Nhờ cách làm này, bạn sẽ không cảm thấy đau cũng như không có ký ức gì về việc nhổ răng khôn. Gây tê cục bộ cũng được cân nhắc đưa ra trong trường hợp bạn cảm thấy khó chịu sau phẫu thuật.
Nhổ răng khôn
Nếu răng không đi qua nướu, một vết cắt nhỏ (vết mổ) sẽ được thực hiện trong nướu để tiếp cận răng. Trường hợp không thể nhổ tận gốc răng, nha sĩ sẽ dùng khoan. Khi đó, răng sẽ bị vỡ thành các mảnh nhỏ và nha sĩ dùng gắp để lấy hết chúng ra.
Bạn có thể cảm nhận được một chút áp lực ngay trước khi nhổ răng. Điều này là do nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật cần mở rộng hốc răng bằng cách lắc nhẹ răng qua lại một chút rồi mới nhổ chúng.
Quá trình nhổ răng khôn không gây đau vì vùng này sẽ bị tê trước khi bắt đầu phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu bạn bắt đầu cảm thấy đau trong khi làm thủ thuật, nên cho nha sĩ biết để họ cân nhắc gây mê toàn thân cho bạn.
Sau phẫu thuật
Nếu một vết mổ đã được thực hiện, nha sĩ sẽ phải sử dụng các mũi khâu tự tiêu để bịt kín hốc răng và cầm máu.
Sau đó, họ đặt một miếng gạc lên vị trí nhổ răng và yêu cầu bạn cắn chặt hàm trong ít nhất 30 phút. Việc làm này nhằm tạo điều kiện cho một cục máu đông hình thành trong hốc răng rỗng. Các cục máu đông là một phần của quá trình chữa bệnh và bạn phải cố gắng để không đánh bật chúng. Cuối cùng, một toa thuốc (giảm đau và chống nhiễm trùng) sẽ được kê, và bạn phải nhớ uống thuốc đúng liều để vết thương chóng lành.
Cũng như bất kỳ loại tiểu phẫu nào, nhổ răng khôn có thể mang lại một số biến chứng nguy hiểm nhưng hiếm khi xảy ra, bao gồm:
Viêm khớp khô: xương ổ răng bị trơ ra mà không hình thành cục máu đông để che lại, gây đau kéo dài.
Tổn thương thần kinh: gây ra các vấn đề tạm thời hoặc vĩnh viễn, chẳng hạn như ngứa ran hoặc tê một bên mặt.
Nhiễm trùng: gây ra những biểu hiện như sốt cao, chảy dịch màu vàng hoặc trắng ở vị trí nhổ răng, đau và sưng kéo dài.
Chảy máu kéo dài (xuất huyết).
Bạn cần theo dõi vết thương sau khi nhổ răng khôn, nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng hay chảy máu kéo dài, hãy liên lạc ngay với nha sĩ để kịp thời điều trị.
Ngăn ngừa biến chứng sau khi nhổ răng khôn
Xét nghiệm đầy đủ, rõ ràng: Để đảm bảo an toàn khi nhổ răng khôn, nha sĩ sẽ thực hiện kiểm tra và xét nghiệm độ mọc, nghiêng của răng khôn cũng như tình trạng răng miệng và sức khỏe cơ thể.
Phòng khám uy tín, chất lượng: Một phòng nha có trang thiết bị hiện đại với quy trình vô trùng chặt chẽ và đội ngũ bác sĩ chuyên môn, giàu kinh nghiệm góp phần tăng mức độ an toàn khi nhổ răng khôn rất nhiều.
Giữ tâm lý thoải mái: Bạn có thể nghe nhiều lời đồn rằng nhổ răng khôn rất đau đớn? Tuy nhiên, toàn bộ quy trình đều được gây tê, chỉ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý là vết thương sẽ mau chóng hồi phục. Do đó, bạn nên giữ tâm lý thoải mái, không nên lo lắng.
Làm gì sau khi nhổ răng khôn?
Trong vòng 24 giờ sau khi phẫu thuật, Hải Dental Clinic khuyên bạn nên:
Sử dụng túi chườm đá trên mặt để hạn chế tình trạng sưng hoặc thay đổi màu da.
Tránh súc miệng bằng chất lỏng quá mạnh, tuyệt đối không súc miệng bằng nước muối.
Không sử dụng ống hút vì có thể đánh bật cục máu đông, khiến hốc răng chảy máu trở lại.
Tránh hút thuốc và uống rượu. Những việc làm đó có khả năng làm chậm quá trình lành bệnh.
Không tiêu thụ chất lỏng nóng, chẳng hạn như trà hoặc cà phê.
Ăn thức ăn mềm, để nguội như mì, cháo, súp, sữa chua… nên ăn súp sau khi nhổ răng khôn
Sau khi phẫu thuật, hãy lên kế hoạch nghỉ ngơi trong phần còn lại của ngày. Tiếp tục các hoạt động bình thường vào ngày hôm sau, nhưng trong ít nhất một tuần tiếp theo, tránh các hoạt động vất vả hoặc bài tập thể thao nặng vì có thể dẫn đến mất cục máu đông ở hốc răng.
Đánh răng bắt đầu từ ngày thứ hai, lưu ý chải nhẹ nhàng để không làm bật cục máu đông.
Gọi cho bác sĩ nếu bạn bị sốt, chảy máu không ngừng hoặc nướu sưng to.