Cách làm sạch và giữ vệ sinh bàn chải đánh răng
Một bàn chải đánh răng có thể chứa 10 triệu vi khuẩn hoặc hơn, bao gồm E. coli và tụ cầu khuẩn. Thông tin trên nghe có vẻ hơi đáng sợ nhưng không sao, bên trong khoang miệng cũng chứa rất nhiều vi khuẩn có lợi và bàn chải đánh răng sẽ không khiến bạn mắc phải bệnh gì đáng lo ngại.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên học cách vệ sinh bàn chải sạch sẽ để bảo vệ sức khỏe răng miệng tốt nhất.
Sự thật về bàn chải đánh răng
Ở bất kỳ thời điểm nào, sẽ có khoảng 100–200 loài vi khuẩn tồn tại bên trong miệng. Ngay cả mảng bám trên răng cũng được xem như là một nơi trú ẩn của vi khuẩn. Tuy nhiên, chúng không có gì đáng lo trừ khi có sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại trong khoang miệng.
Thêm vào đó, bàn chải đánh răng giống như một nam châm thu hút các vi khuẩn. Nếu bạn để bàn chải đánh răng ở bên cạnh bồn rửa trong nhà vệ sinh, chúng có thể bị nhiễm vi khuẩn do nước bắn vào lúc bạn rửa tay. Lúc này, nguy cơ mất cân bằng hệ vi khuẩn khoang miệng sẽ tăng lên.
Bàn chải đánh răng và nhà vệ sinh
Bạn đã bao giờ nghĩ về những gì diễn ra trong lúc bạn xả nước và nắp bồn cầu vẫn đang mở chưa? Các vi khuẩn và virus phát tán khi bạn dội nước sẽ tồn tại trong không khí đủ lâu để bám lại trên các bề mặt trong nhà tắm.
Một nghiên cứu phát hiện vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy có thể “bay” cao hơn 25,4cm khi bạn xả nước mà không đậy nắp bồn cầu.
Do đó, việc để bàn chải đánh răng trong nhà tắm đương nhiên sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Trường hợp tệ hơn khi bạn lỡ làm rơi bàn chải đánh răng xuống sàn nhà, quy tắc “ba giây” sẽ chẳng giúp ích được gì đâu. Bàn chải lúc này đã tiếp xúc với các phần tử đã phát tán trong nhà vệ sinh, cộng thêm những vi khuẩn từ chân bạn khi đi lại trong nhà tắm.
Giữ bàn chải đánh răng trong hộp kín
Nếu bạn nghĩ vậy thì giữ bàn chải đánh răng trong một hộp kín sẽ tốt hơn thì hãy dừng lại ngay ý tưởng đó. Bàn chải đánh răng vẫn còn ẩm ướt sau mỗi lần sử dụng và điều này tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển nếu bạn cất chúng trong hộp kín.
Hơn thế nữa, khi bạn cất tất cả bàn chải của các thành viên trong gia đình vào chung một hộp đựng, vi khuẩn sẽ lây lan qua lại nếu lông bàn chải chạm vào nhau. Việc này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại, nhất là khi trong nhà đang có người mắc bệnh.
Ngoài ra, vi trùng có thể truyền từ bàn chải này sang bàn chải khác khi dùng chung kem đánh răng.
Bàn chải đánh răng có thể khiến bạn mắc bệnh không?
Hầu như không ai bị nhiễm trùng từ bàn chải đánh răng của riêng họ. Thậm chí khi bàn chải có những vi khuẩn lạ, hệ thống miễn dịch của cơ thể vẫn làm tốt nhiệm vụ chống lại mầm bệnh. Thế nhưng, tốt hơn hết là bạn vẫn biết cách giữ gìn bàn chải đánh răng đúng cách và sạch sẽ để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Làm sao để giữ vệ sinh cho bàn chải đánh răng?
Tìm hiểu cách làm sạch bàn chải đánh răng và hạn chế vi khuẩn tích tụ qua những cách sau đây:
Thay bàn chải mới: Hãy thay bàn chải đánh răng sau mỗi 3–4 tháng sử dụng hoặc khi lông bàn chải bắt đầu cứng, tòe ra và xơ xác. Việc thay mới này sẽ giúp bạn sử dụng bàn chải hiệu quả hơn và loại bỏ được các vi trùng gây hại. Đối với trẻ em, bàn chải đánh răng nên được thay mới thường xuyên hơn người lớn.
Lựa chọn kem đánh răng: Hầu hết các loại kem đánh răng đều có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh nhưng những loại chứa triclosan/copolymer thường tốt hơn so với kem chứa fluor thông thường.
Đừng sử dụng chung bàn chải đánh răng: Cho dù có làm sạch bàn chải đến mức nào, bạn cũng không thể loại bỏ toàn bộ vi khuẩn trên bàn chải đánh răng của người khác. Nếu bạn muốn an toàn hơn, hãy sử dụng riêng kem đánh răng hoặc cố gắng hướng dẫn mọi thành viên trong gia đình cách lấy kem mà không để lông bàn chải tiếp xúc trực tiếp với miệng tuýp kem.
Làm sạch lông bàn chải: Thỉnh thoảng, bạn nên ngâm đầu bàn chải đánh răng vào nước oxy già hoặc nước súc miệng có thành phần kháng khuẩn, nhất là khi bạn vô tình làm rớt bàn chải xuống sàn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên làm sạch lông bàn chải với nước sau mỗi lần đánh răng để rửa trôi xà phòng còn bám lại trên đó.
Đóng nắp bồn cầu trước khi xả nước: Nếu bạn để bàn chải đánh răng trong nhà vệ sinh, hãy chắc chắn đóng nắp bồn cầu lại trước khi xả nước.
Để bàn chải đánh răng ngoài không khí: Đừng cất bàn chải sau khi sử dụng vào trong hộp kín. Nếu bạn đặt bàn chải trong tủ, hãy đảm bảo chúng được thông khí để bàn chải có thể khô tự nhiên giữa các lần đánh răng. Trường hợp cả gia đình để bàn chải đánh răng chung một chỗ, cố gắng đừng để các đầu bàn chải chạm vào nhau.
Hãy nhớ rằng vi khuẩn có thể gây ra bệnh nướu răng, sâu răng và hôi miệng. Vậy nên, bạn cần đánh răng đúng cách và dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Bạn có thể súc miệng bằng nước súc miệng kháng khuẩn trước khi đánh răng để hạn chế vi khuẩn bám dính vào bàn chải đánh răng và tích tụ ở đó.