Khám phá những cách trị hôi miệng hiệu quả
Tình trạng hôi miệng thường xảy ra sau khi bạn ăn thực phẩm nặng mùi như tỏi hoặc vào buổi sáng sau khi thức dậy. Một số nguyên nhân khác có thể gây ra hôi miệng tạm thời bao gồm uống đồ uống có cồn hoặc cà phê, hút thuốc lá.
Bạn có thể không tự nhận thấy được chứng hôi miệng mà thường thông qua người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp. Điều này thường khiến người bệnh cảm thấy tự ti, xấu hổ. Trong trường hợp nghiêm trọng, hôi miệng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ cá nhân và chất lượng cuộc sống.
May mắn thay, vấn đề này không khó để điều trị dứt điểm. Những thói quen chăm sóc răng miệng tốt, thường xuyên đến gặp nha sĩ và tránh những yếu tố gây hôi miệng (một số loại thuốc, thực phẩm…) có thể khiến hơi thở của bạn thơm mát hơn.
Nguyên nhân gây hôi miệng
Các nghiên cứu cho thấy khoảng 80% nguyên nhân bệnh hôi miệng xuất phát từ vấn đề trong khoang miệng. Sâu răng hoặc bệnh nướu răng có khả năng dẫn đến hôi miệng; các hạt thức ăn thừa còn mắc kẹt trong khoang miệng, chỗ trám răng bị nứt hay răng giả không được vệ sinh đều có thể khiến hơi thở có mùi hôi.
Một vài vấn đề sức khỏe trong cơ thể cũng có khi khiến hơi thở có mùi khó chịu, chẳng hạn như đái tháo đường, bệnh gan, nhiễm trùng đường hô hấp và viêm phế quản mạn tính.
Bạn cũng cần gặp bác sĩ để điều trị những tình trạng như trào ngược axit dạ dày, chảy dịch mũi sau và các nguyên nhân khác gây khô miệng mạn tính vì chúng cũng khiến hơi thở có mùi.
Thậm chí có những người luôn nghĩ mình bị hôi miệng trong khi hơi thở của họ hoàn toàn bình thường. Tình trạng này được gọi là chứng sợ hôi miệng, người bệnh sẽ không tin lời trấn an nào từ bác sĩ. Khi đó, nói chuyện với một nhà trị liệu hoặc bác sĩ tâm lý có thể giúp ích cho họ.
Ngoài ra, bọc răng sứ thẩm mỹ đôi khi cũng là nguyên nhân gây ra hôi miệng. Để biết thêm chi tiết, bạn hãy tham khảo bài viết sau: Bọc răng sứ có bị hôi miệng không?
Những cách trị hôi miệng hiệu quả
Để giữ cho răng và nướu khỏe mạnh, đồng thời cải thiện hơi thở, bạn cần tránh bị hôi miệng. Hãy thử những cách sau đây để miệng bạn luôn sạch và thơm mát nhé.
1. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên
Mảng bám, thức ăn thừa trên răng đều gây tích tụ vi khuẩn gây hôi miệng.
Hãy vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng ít nhất 2 lần và dùng chỉ nha khoa 1 lần trong ngày. Nếu bạn vẫn cảm thấy lo lắng về hơi thở, hãy thực hiện làm sạch răng nhiều hơn một chút. Tuy nhiên, không nên đánh răng quá nhiều vì có thể làm mòn men răng, tăng nguy cơ bị sâu răng.
2. Súc miệng thường xuyên
Bên cạnh việc giúp hơi thở thơm mát, nước súc miệng còn có thể loại bỏ vi khuẩn trong miệng. Bạn hãy lựa chọn các sản phẩm nước súc miệng có khả năng giết chết vi khuẩn gây hôi miệng thay vì chỉ để che giấu mùi hôi. Tốt nhất bạn nên súc miệng hàng ngày và ngăn chặn hôi miệng ngay từ đầu.
Súc miệng bằng nước sau khi ăn cũng ngăn ngừa hơi thở có mùi vì các hạt thức ăn mắc kẹt trong răng sẽ được loại bỏ ít nhiều.
3. Cạo lưỡi
Bựa lưỡi hình thành trên lưỡi có thể là nơi trú ngụ của những vi khuẩn gây mùi hôi miệng. Để loại bỏ, bạn hãy nhẹ nhàng chải lưỡi bằng bàn chải đánh răng.
Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi dùng bàn chải lên lưỡi, hãy thử đồ cạo lưỡi chuyên dụng. Chúng được thiết kế để tạo áp lực đồng đều lên bề mặt lưỡi và giúp loại bỏ vi khuẩn, mảnh vụn thức ăn và tế bào chết.
4. Tránh ăn những thực phẩm khiến hơi thở có mùi khó chịu
Hành và tỏi là những thực phẩm nặng mùi nhất, việc đánh răng sau khi ăn xong cũng không giúp xóa bỏ mùi hôi ngay lập tức.
Các chất gây ra mùi hôi sẽ đi vào máu và đến phổi khiến cho hơi thở có mùi khó chịu. Vậy nên, bạn hãy hạn chế ăn những thực phẩm này hoặc tránh ăn trước khi đi làm hoặc gặp mặt bạn bè.
5. Ăn những thực phẩm giòn, lành mạnh
Những thực phẩm cứng, giòn như táo, cần tây, cà rốt… có thể giúp loại bỏ thức ăn bị mắc kẹt giữa kẽ răng và làm hơi thở thơm mát hơn. Các loại trái cây giàu chất xơ này giúp làm sạch răng nhờ tăng tiết nước bọt và trung hòa axit citric, axit malic còn lại trong miệng. Từ đó, vi khuẩn không còn cơ hội bám vào các mảng bám trên răng.
Ngoài ra, các loại trái cây và rau quả chứa nhiều vitamin C cũng giúp bảo vệ nướu khỏi bị tổn thương và nhiễm khuẩn.
6. Bỏ thói quen hút thuốc lá
Không những làm tăng nguy cơ gây ung thư, hút thuốc có thể làm tổn thương nướu, gây ố vàng răng và khiến bạn bị hôi miệng.
Do đó, hãy cố gắng từ bỏ thuốc lá. Bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn về các chương trình hỗ trợ bỏ hút thuốc hoặc hướng dẫn một số cách cai nghiện thuốc lá.
7. Nhai kẹo cao su sau bữa ăn
Các vi khuẩn trong miệng rất thích đường vì chúng sử dụng đường để tạo ra axit làm mòn men răng và gây hôi miệng. Vì thế, thay vì ăn kẹo sau bữa ăn, hãy nhai kẹo cao su không đường chứa xylitol.
Khi nhai kẹo cao su sẽ kích thích miệng tiết nước bọt, đó cũng là cơ chế tự nhiên giúp bảo vệ răng, chống lại axit từ mảng bám. Đồng thời, xylitol cũng là một chất có khả năng kháng khuẩn, giúp hạn chế tình trạng sâu răng và hôi miệng.
8. Giữ cho nướu khỏe mạnh
Các bệnh nướu cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng hôi miệng. Vi khuẩn sẽ “tụ tập” trong chân răng gây ra mùi khó chịu. Nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề nào về nướu, hãy đến gặp nha sĩ để điều trị ngay lập tức.
9. Đừng để miệng khô
Bạn có thể bị sâu răng và hôi miệng nếu như lượng nước bọt tiết ra không đủ. Vì vậy, hãy uống nhiều nước, tránh để miệng bị khô.
Nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo cứng không đường sẽ giúp kích thích tiết nước bọt, làm ẩm miệng. Bên cạnh đó, bạn hãy thử sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà vào ban đêm để làm ẩm không khí.
10. Đến gặp nha sĩ
Nếu mọi nỗ lực cải thiện hơi thở đều không mang lại kết quả như ý muốn, bạn hãy đến gặp nha sĩ. Họ sẽ kiểm tra tổng quát tình hình răng miệng và đánh giá liệu bạn có gặp phải tình trạng y khoa nào khác không.
Ngoài ra, bạn nên đến phòng khám nha khoa định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để được thăm khám và phát hiện kịp thời các vấn đề về răng miệng. Từ đó, nha sĩ sẽ giúp bạn điều trị kịp thời, duy trì hàm răng khỏe mạnh và hơi thở thơm mát.