Vì sao phải đeo hàm duy trì sau khi niềng răng?
Đeo hàm duy trì sau khi niềng răng là một trong những biện pháp ngăn chặn nguy cơ răng quay trở lại vị trí cũ sau khi tháo niềng, đồng thời hỗ trợ chúng tiếp tục phát triển ổn định tại vị trí mới.
Ngày nay, mọi người đều đã từng nghe qua phương pháp niềng răng ít nhất một lần. Đây là thủ thuật chỉnh nha nổi tiếng với khả năng cải thiện mặt thẩm mỹ của hàm răng, từ đó giúp bạn có thể nở nụ cười tự tin bất kỳ lúc nào.
Thực tế, độ bền vững của hàm răng sau khi niềng chưa thật sự ổn định. Điều này cũng có nghĩa là răng có thể bị xô lệch và quay trở lại vị trí ban đầu, khiến hiệu quả của niềng răng giảm đi rõ rệt. Để đối phó với tình trạng này, các nha sĩ khuyến khích mọi người nên sử dụng hàm duy trì sau khi niềng răng.
Hàm duy trì là gì? Mục đích của việc đeo hàm duy trì sau khi niềng răng
Hàm duy trì là khí cụ chuyên dụng đảm nhiệm vai trò ổn định răng tại các vị trí mới sau khi niềng, đồng thời ngăn chặn tình trạng các răng bị xô lệch dưới tác động của việc cắn hoặc nhai thức ăn. Theo nhiều chuyên gia, đeo hàm duy trì có thể gây khó chịu tương tự mắc cài và dây cung, nhưng sự bất tiện này vẫn tốt hơn so với việc bạn phải tốn tiền và thời gian để niềng răng thêm lần nữa.
Các loại hàm duy trì
Ngày nay, bạn có nhiều chọn lựa trong việc tìm kiếm loại hàm duy trì sau khi niềng răng phù hợp nhất với mình. Trong đó, phổ biến nhất là những loại sau, bao gồm:
Hàm duy trì cố định
Đây là dạng đầu tiên và thông dụng nhất, thường được nha sĩ chỉ định sử dụng trong vài tháng đầu kể từ lúc bạn tháo dây cung và mắc cài. So với những loại hàm duy trì sau khi niềng răng khác, hàm duy trì cố định đem lại hiệu quả ổn định cao hơn. Tuy nhiên, bạn sẽ cần đặc biệt lưu ý trong việc chăm sóc răng miệng.
Ngoài ra, bạn sẽ luôn phải đeo loại hàm duy trì này cho đến khi nha sĩ quyết định tháo ra.
Hàm duy trì tháo lắp bằng nhựa trong
Loại hàm duy trì này là một khay nhựa trong suốt được thiết kế vừa khít với hàm răng của bạn. Bên cạnh đó, đây cũng là loại hàm duy trì sau niềng răng được ưa chuộng nhất vì nó tương đối khó phát hiện, nhờ vậy đảm bảo tính thẩm mỹ cao cho người dùng.
Ngoài ra, bạn còn có thể dễ dàng tháo lắp hàm duy trì bằng nhựa trong. Điều này giúp việc vệ sinh răng miệng trở nên đơn giản hơn nhiều lần so với hàm duy trì cố định. Ngược lại, hiệu quả ổn định răng của khí cụ này có thể không cao bằng loại cố định.
Hàm duy trì tháo lắp bằng kim loại (hàm duy trì Hawley)
Tương tự hàm duy trì làm bằng nhựa trong, loại hàm duy trì này cũng dễ tháo rời, giúp bạn thuận lợi trong việc vệ sinh răng miệng cũng như khí cụ.
Do làm kim loại nên so với khay nhựa trong, khí cụ Hawley có độ bền và hiệu quả ổn định cao hơn. Ngược lại, loại hàm duy trì tháo lắp bằng kim loại không có tính thẩm mỹ cao nên thường chỉ được dùng vào ban đêm. Ngoài ra, người sử dụng cũng có nguy cơ bị kích ứng môi hoặc má trong thời gian đầu.
Có thể không đeo hàm duy trì sau khi niềng răng không?
Xương hàm và răng trở nên nhạy cảm đáng kể sau khi niềng. Do đó, chúng dễ xê dịch và trở lại vị trí ban đầu nếu bị tác động bởi những yếu tố như:
Hoạt động cắn, xé hoặc nhai thức ăn
Lực kéo, đẩy của nướu và dây chằng nha chu. Đây là những bộ phận chịu trách nhiệm cố định răng ngay tại vị trí của nó và cần thời gian để “ghi nhớ” vị trí mới.
Như vậy, có thể thấy đeo hàm duy trì sau khi niềng răng là cần thiết nhằm đảm bảo răng ổn định ở vị trí mới trong thời gian dây chằng nha chu và nướu điều chỉnh lại cơ chế hoạt động, đồng thời ngăn cản tác động của việc ăn uống khiến răng xô lệch.
Nếu không sử dụng hàm duy trì, bạn có thể sẽ cần áp dụng thủ thuật chỉnh nha thêm một lần nữa trong vòng 10 năm hoặc thậm chí là sớm hơn.
Thời gian đeo hàm duy trì là bao lâu?
Hầu hết trường hợp mọi người sẽ cần đeo hàm duy trì sau khi niềng răng trong vòng 9 – 12 tháng. Đối với loại hàm duy trì cố định, bạn sẽ cần đeo nó suốt 24 giờ và chỉ có thể gỡ ra khi nha sĩ yêu cầu.
Trong khi đó, nếu bạn chọn dùng hàm duy trì tháo lắp, hãy đảm bảo ngoại trừ lúc ăn và vệ sinh răng miệng, bạn sẽ luôn đeo nó. Tình trạng này sẽ kéo dài 4 – 6 tháng, sau đó nếu răng đã ổn định hơn, các chuyên gia có thể đề xuất chỉ đeo hàm duy trì vào ban đêm.
Sau giai đoạn trên, bạn vẫn sẽ cần đeo hàm duy trì khoảng 3 – 4 đêm mỗi tuần nhằm đảo bảo kéo dài hiệu quả niềng răng.
Hướng dẫn vệ sinh hàm duy trì
Vệ sinh hàm duy trì đúng cách cũng là một giải pháp giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng. Mỗi loại hàm duy trì sẽ có cách vệ sinh khác nhau, ví dụ như:
Hàm duy trì cố định
Bạn có thể làm sạch loại khí cụ này bằng chỉ nha khoa. Đồng thời, đừng quên nghiêng bàn chải khi đánh răng sao cho có thể loại bỏ hoàn toàn những mẩu thức ăn thừa bám lại xung quanh hàm duy trì.
Hàm duy trì tháo lắp
Vì loại hàm duy trì này có thể tháo ra dễ dàng nên việc vệ sinh cũng đơn giản hơn so với loại cố định. Các cách làm sạch có thể kể đến như:
Làm sạch khí cụ với nước ấm mỗi khi bạn tháo ra
Sử dụng dung dịch ngâm đặc biệt để bảo quản mỗi khi bạn không dùng đến
Dùng bàn chải lông mềm để vệ sinh hàm duy trì mỗi ngày một lần. Lưu ý thực hiện cẩn thận vì loại khí cụ này rất dễ bị mài mòn và trầy xước.
Dùng tăm bông sạch đã nhúng qua nước để lấy đi những mẩu thức ăn thừa còn mắc kẹt trong hàm duy trì.
Như vậy, nếu bạn muốn sở hữu một hàm răng đều đẹp từ quá trình chỉnh nha, việc đeo hàm duy trì sau khi niềng răng là điều thiết yếu. Bạn nên trực tiếp đến những phòng khám nha khoa uy tín để được các chuyên gia kiểm tra tình trạng răng và cung cấp hàm duy trì phù hợp, chất lượng.