Tìm hiểu về quy trình lấy tủy răng

Tìm hiểu về quy trình lấy tủy răng

Điều trị lấy tủy răng (tiếng anh là root canal treatment) là một phương pháp điều trị trong nha khoa để loại bỏ nhiễm trùng ở bên trong răng. Quá trình này còn có thể bảo vệ răng khỏi những tác động của nhiễm khuẩn trong tương lai. Nha sĩ sẽ tiến hành lấy phần tủy răng nằm trong ống tủy chân răng.

Điều trị lấy tủy răng là gì?

Điều trị lấy tủy răng được thực hiện để chữa trị răng bị tổn thương do sâu răng hoặc nhiễm trùng nặng. Quy trình lấy tủy răng sẽ loại bỏ dây thần kinh và làm sạch ống tủy chân răng, sau đó lỗ hổng trên răng được bịt kín lại. Nếu bạn không điều trị lấy tủy răng kịp thời, các mô xung quanh răng sẽ bị nhiễm trùng nặng thêm và có thể hình thành ổ áp xe.

Quy trình lấy tủy răng như thế nào

Quy trình lấy tủy răng thường sẽ mất vài ngày hoặc lâu hơn tùy vào tình trạng răng để hoàn thành toàn bộ quá trình lấy tủy này.

1. Chuẩn bị
Đầu tiên, nha sĩ tiến hành gây tê cục bộ ở khu vực răng cần được điều trị để bạn không thấy đau. Bạn có thể được sử dụng tấm bảo vệ miệng, là một tấm cao su có khoảng trống vừa vặn với chiếc răng cần điều trị và cách ly với mọi thứ xung quanh.

Mục đích của tấm bảo vệ này là để:

Bảo vệ răng khỏi tiếp xúc với vi khuẩn có trong nước bọt
Giúp bạn nuốt nước bọt bình thường trong khi lấy tủy
Tránh để dị vật do nha sĩ bất cẩn để rơi vào miệng bạn

2. Mở đường vào tủy răng
Nha sĩ sẽ khoan một lỗ trên đỉnh răng (hoặc mặt sau răng cửa) để có thể tiếp cận vào buồng tủy và chân răng. Các dụng cụ nha khoa chuyên dụng được sử dụng để loại bỏ hoàn toàn phần tủy bị hư và chết bên trong răng.

Các chân răng thường mỏng và có hình dạng cong nên sẽ mất một ít thời gian để nha sĩ có thể xác định vị trí của tất cả các ống tủy, đảm bảo loại bỏ hết mô mềm bị hư hỏng. Khi đó, nha sĩ cần sử dụng kính hiển vi đặc biệt và đèn chiếu sáng để nhìn rõ bên trong răng.

Nếu bạn có một ổ áp xe ở cuối chân răng, nó cũng sẽ được xử lý vào lúc này. Tiếp theo, nha sĩ dùng những dụng cụ chuyên dụng để mở rộng và định hình lại ống tủy chân răng để dễ dàng hàn kín chúng lại.

3. Làm sạch và khử trùng
Lỗ trống bên trong răng bây giờ được làm sạch hoàn toàn bằng nước và dung dịch kháng khuẩn nhiều lần, đảm bảo ống tủy vô trùng hoàn toàn.

Nếu trường hợp của bạn khá phức tạp, cần nhiều thời gian điều trị hơn bình thường thì nha sĩ sẽ lấp đầy chân răng bằng một số loại thuốc giúp tiêu diệt hết vi khuẩn còn lại. Sau đó, răng bạn được trám tạm thời để bảo vệ răng cho tới lần khám sau.

4. Hàn kín buồng tủy và trám răng
Sau khi các ống tủy được định hình và vệ sinh sạch sẽ, nha sĩ sẽ dùng một vật liệu nha khoa mềm, dẻo để lấp đầy các ống tủy. Quan trọng nhất là ống tủy phải được lấp đầy hoàn toàn, nếu không răng có nguy cơ bị tái nhiễm trùng.

Khi buồng tủy được hàn kín, khoảng trống còn lại trên thân răng được lấp đầy và phục hình bằng hình thức trám răng thông thường.

5. Chụp mão răng (không bắt buộc)
Răng sẽ trở nên yếu hơn sau khi bị lấy mất tủy, do đó nha sĩ thường khuyên bạn nên chụp mão răng giả để bảo vệ răng tốt hơn. Mão răng có thể làm bằng sứ hoặc kim loại, bao phủ toàn bộ răng giúp phòng ngừa viêm nhiễm trở lại.

Để có thể bọc mão răng giả, nha sĩ sẽ mài bớt phần men răng bên ngoài. Sau khi lấy khuôn răng, mão răng nhân tạo được chụp lên trên, điều chỉnh và cố định để trông tự nhiên nhất có thể.

Sau khi quá trình lấy tủy răng hoàn thành
Trong một vài ngày đầu sau khi tủy răng được lấy ra, bạn có khả năng cảm thấy răng nhạy cảm hơn do viêm mô tự nhiên, đặc biệt trong trường hợp bạn bị nhiễm trùng trước đó. Sự khó chịu này có thể kiểm soát bằng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc naproxen.

Sau khi lấy tủy, bạn cũng nên hạn chế nhai ở bên có răng vừa điều trị để tránh tái phát nhiễm trùng bên trong răng và phòng ngừa răng bị vỡ trước khi phục hồi hoàn toàn.

 

Điều trị tủy răng có đau không?

Nhiều người lo lắng và có thể không muốn điều trị vì sợ quá trình lấy tủy răng sẽ gây đau đớn. Thế nhưng nhờ vào trình độ chuyên môn của nha sĩ và công nghệ tiên tiến của phòng khám Nha khoa Hải (Hải Dental Clinic), bạn sẽ cảm thấy ít khó chịu nhất có thể khi điều trị lấy tủy răng. Thực tế thì lấy tủy răng chính là phương pháp dùng để điều trị đau do tủy bị nhiễm trùng.

Nha sĩ sẽ sử dụng thuốc gây tê trước khi tiến hành lấy tủy răng. Nếu thời gian thực hiện kéo dài hơn dự kiến, thuốc tê có thể hết tác dụng và nha sĩ thường bảo bạn báo hiệu nếu cảm thấy đau tại bất kỳ thời điểm nào. Bạn chỉ cần giơ tay trong quá trình điều trị nếu thấy không thoải mái.

Sau khi điều trị, nha sĩ sẽ kê cho bạn vài loại thuốc giảm đau để kiểm soát những cơn đau. Bạn cũng nên ăn những thức ăn mềm hoặc được xay nhuyễn để tránh gây áp lực thêm lên răng sau khi điều trị.

Thời gian điều trị tủy răng mất bao lâu?

Quy trình điều trị tủy răng trung bình sẽ tốn khoảng 15-45 phút để hoàn thành. Đặc biệt, nếu bạn cần lấy tủy răng hàm – vị trí có nhiều ống tủy, thì quy trình có thể được kéo dài tới 2-4 lần hẹn, mỗi lần điều trị khoảng 30 phút.

Những yếu tố ảnh hưởng đến thời gian điều trị tủy bao gồm:

Tình trạng răng miệng và sức khỏe cơ thể nói chung.
Trang thiết bị phòng khám và trình độ nha sĩ.
Vị trí răng cần điều trị.
Tỷ lệ thành công khi điều trị lấy tủy răng là bao nhiêu?
Tỷ lệ thành công cho quy trình lấy tủy răng khá cao, thường hơn 95%. Nhiều bệnh nhân sau khi lấy tủy răng thì răng vẫn hoạt động bình thường đến cuối đời. Do bước cuối cùng của quy trình lấy tủy răng là chụp mão răng giả hoặc trám phục hình răng nên sẽ không thể nhận biết răng đã bị lấy tủy.

Chăm sóc sau khi lấy tủy răng

Răng đã được điều trị lấy tủy thường yếu hơn rất nhiều so với những chiếc răng khác. Nguyên nhân là do phần tủy của răng đó đã “chết”. Vì vậy, bạn sẽ cần đặc biệt lưu ý nhiều vấn đề hơn khi chăm sóc răng miệng, chẳng hạn như:

Thay đổi khẩu phần ăn dinh dưỡng phù hợp với sức khỏe của răng, không ăn những món quá cứng, quá nóng hoặc quá lạnh.
Hạn chế sử dụng răng đã lấy tủy để nhai.
Đánh răng nhẹ nhàng.
Không dùng tăm để làm sạch kẽ răng. Thay vào đó, hãy sử dụng chỉ nha khoa.
Đi khám răng định kỳ nhằm kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của răng.
Nên thực hiện mão phục hình sứ nếu phần trám của răng lấy tủy đổi màu.
Ngoài ra, nếu bạn bắt gặp dấu hiệu bất thường phát sinh sau khi điều trị tủy răng (đau nhức kéo dài, có triệu chứng sưng viêm…), hãy lập tức đến gặp nha sĩ. Chúng có thể cảnh báo về một biến chứng đang xảy ra.

Biến chứng sau khi điều trị lấy tủy răng

Điều trị lấy tủy răng thất bại có thể là do:

Nha sĩ thiếu kinh nghiệm trong việc điều trị tủy răng
Lấy tủy răng không hoàn toàn (còn sót tủy trong răng)
Răng có vết nứt đến tận cuối chân răng
Bị nhiễm khuẩn lại

Để đảm bảo an toàn và ít gặp những biến chứng nghiêm trọng sau khi thực hiện dịch vụ chữa tủy răng, bạn nên tìm hiểu và lựa chọn những nha khoa uy tín, chất lượng với đội ngũ nha sĩ giàu kinh nghiệm. Khi có biến chứng xảy ra, nha sĩ sẽ kiểm tra lại tình trạng răng của bạn để xem có thể điều trị ống tủy lại hay không. Quá trình này tương tự như khi lấy tủy lần đầu nhưng phức tạp hơn do có sự hiện diện của các vật liệu trám răng.

Khi tủy răng bị lấy mất, ống tủy chân răng sẽ rỗng khiến răng dễ vỡ hơn. Chụp mão răng giả trên răng đã lấy tủy giúp bảo vệ răng tốt hơn. Đôi khi, một vết nứt không được phát hiện vào thời điểm lấy tủy răng, vì vậy bác sĩ phải nhổ bỏ răng đó cho dù đã điều trị lấy tủy răng.

Một số trường hợp nha sĩ khó tìm thấy ống tủy do bị hẹp hoặc vôi hóa, răng có thể bị thủng trong quá trình xác định tủy răng. Nếu lỗ thủng trên răng không nghiêm trọng, nha sĩ có thể trám phục hình trở lại. Ngược lại, nếu lỗ thủng nghiêm trọng, bạn sẽ phải nhổ cả chiếc răng đó.

Răng có thể bị tái nhiễm trùng nếu không được trám kỹ hoặc không chăm sóc răng miệng đúng cách hay vật liệu trám bị bong ra theo thời gian. Một vài trường hợp có nhiều hơn một ống tủy trong một răng và nha sĩ đã bỏ qua ống tủy phụ, bạn có thể bị suy tủy. Ống tủy phụ này cũng có thể chứa tế bào bị nhiễm bệnh, cần được làm sạch và trám kín.

Răng hàm trên có thể nằm gần các hốc xoang. Đôi khi, chân răng còn “xâm nhập” vào các hốc xoang nên khi điều trị lấy tủy, một số tình trạng tắc nghẽn xoang do viêm hoặc nhiễm trùng xung quanh chân răng có thể xảy ra.

Răng bị đổi màu cũng là một vấn đề có khả năng xảy ra sau khi điều trị lấy tủy. Khi đó, răng sẽ có màu vàng đậm, nâu hoặc xám hơn so với răng xung quanh. Nếu màu gây mất thẩm mỹ cho hàm răng, đặc biệt là ở răng cửa, bạn có thể tẩy trắng răng, dán răng sứ hoặc bọc răng sứ để khắc phục.

Nếu điều trị lấy tủy thất bại, biện pháp cuối cùng là nhổ răng. Trồng răng implant và làm cầu răng sứ là những phương pháp thay thế răng bị mất được nhiều bệnh nhân quan tâm và lựa chọn. Hãy đến Nha khoa Hoa Hải để được khám và tư vấn thêm về dịch vụ này.

Có thể bạn quan tâm

Nhập từ khóa tìm kiếm